Chinh phục phía Bắc (357–353 TCN) Sự bành trướng của Macedonia dưới triều đại Philippos II

Amphipolis (357 TCN)

Mục tiêu tiếp theo của Philippos đó là củng cố khu vực miền đông Macedonia có biên giới với Thrace và đặc biệt là thành phố Amphipolis.[45] Amphipolis có vị trí chiến lược quan trọng, nó nằm bên bờ sông Strymon và kiểm soát điểm giao cắt duy nhất ở khu vực hạ lưu của con sông này, do đó kiểm soát con đường đi tới Thrace và từ Thrace đến. Do vậy để mở rộng vương quốc của mình về phía đông thì đòi hỏi Philippos phải kiểm soát được Amphipolis.[46] Người Athen đã thiết lập một thuộc địa ở đây trước đó một thế kỷ,[47] và chỉ đánh mất quyền kiểm soát nó trong cuộc chiến tranh Peloponnisos.[26] Người Athen rất khao khát khôi phục lại quyền kiểm soát đối với Amphipolis, một phần là vì lịch sử của nó, dẫu vậy người Amphipolis lại không muốn quay về dưới sự kiểm soát của Athen.[48] Tuy nhiên, lý do chính là do vị trí của Amphipolis nằm gần với các cánh rừng vốn cần thiết cho việc đóng tàu và còn vì nó kiểm soát các mỏ vàng và bạc ở núi Pangaion.[48][49] Trong giai đoạn này, đối với người Athen "niềm khao khát của họ dành cho nó không đổi và luôn tột cùng".[48]

Quang cảnh sông Strymon nhìn từ khu vực acropolis của Amphipolis

Philippos đã bắt đầu vây hãm Amphipolis vào năm 357 TCN; Amphipolis sau đó đã từ bỏ chính sách chống Athen của mình và ngay lập tức cầu cứu sự giúp đỡ của Athens, đổi lại là chấp nhận quay trở lại dưới sự kiểm soát của nó[50] Tuy nhiên, khi đang tiến hành cuộc vây hãm, Philippos đã gửi một bức thư tới Athens và nói rằng ông sẽ trao trả lại thành phố này khi ông chiếm được nó (dường như là theo cùng một chính sách mà ông đã thực hiện vào năm 359 TCN). Do đó người Athen đã chờ đợi xem ông có thực hiện điều đó hay không.[50] Người Athen có lẽ cũng đã không thể gửi quân cứu viện cho Amphipolis. Trong suốt những tháng mùa hè, những cơn gió bắc thổi tới khu vực biển Aegea và điều này khiến cho người Athen khó có thể đưa thuyền về phía bắc.[50] Philippos đã nhiều lần lợi dụng thời điểm khi gió Etesian thổi để tiến hành chiến dịch trong những tháng này (hoặc vào mùa đông) vì vào lúc này hải quân Athen không thể gửi quân cứu viện cho các kẻ thù của ông.[50]

Người Athen dường như đã đề nghị Philippos đổi Pydna lấy Amphipolis,[45] có lẽ là trong giai đoạn cuối của cuộc vây hãm nhưng chúng ta không rõ liệu Philippos có đồng ý với điều này hay không.[51] Vào giai đoạn này, cuộc chiến tranh Đồng Minh (357-355 TCN) đã bùng nổ giữa Athens với các đồng minh cũ trước đây của nó và lúc này họ không thể can thiệp để giúp Amphipolis.[51] Philippos cuối cùng đã phá vỡ được tường thành của Amphipolis nhờ vào việc sử dụng những vũ khí công thành và phiến gỗ công thành; quân đội của ông sau đó tràn vào và chiếm đóng thành phố.[52] Theo Diodoros, Philippos đã cho trục xuất những ai có thái độ thù địch với ông nhưng lại đối xử tử tế với dân chúng còn lại.[52]

Pydna và Potidea (357–356 TCN)

Trong lúc Philippos tiến hành vây hãm Amphipolis, liên minh Chalkidice dưới sự lãnh đạo của Olynthos đã bắt đầu lo sợ tham vọng về lãnh thổ của Philippos (bởi vì Amphipolis cũng kiểm soát tuyến đường tới Chalkidiki) và do đó họ đã tìm cách liên minh với Athens để chống lại ông.[45][53] Tuy nhiên, người Athen vẫn còn đang hy vọng về việc Philippos trao trả lại Amphipolis cho họ nên đã từ chối. Bản thân Philippos cũng lo sợ về một liên minh giữa liên minh Chalkidice hùng mạnh với người Athens, vì thế ông đã quay ra trấn an người Olynthos bằng việc đề nghị liên minh cùng với những điều khoản rất có lợi cho họ.[45] Theo hiệp ước với Olynthos, Philippos được phép chiếm Potidea nằm trong lãnh thổ của liên minh Chalkidice. Vào thời điểm này, Potidea nằm dưới sự quản lý của Athens và tạo ra một mối đe dọa đối với sự ổn định của liên minh.[45]

Philippos không có ý định trao lại Amphipolis cho người Athen nhưng ông lại giả vờ là chỉ trì hoãn việc chuyển giao thành phố này.[45] Ông dường như đã ngay lập tức tiến hành bao vây Pydna sau khi vừa chiếm được Amphipolis.[51] Người Athen có lẽ vẫn còn mơ tưởng được nhận lại Amphipolis và dường như đã không can thiệp (cũng có lẽ là không thể can thiệp).[51] Pydna dường như đã rơi vào tay của Philippos nhờ vào sự phản bội có lẽ là vào năm 357 hoặc 356 TCN.[45][52][54]

Năm 356 TCN, Philippos tiếp tục vây hãm và chiếm Potidea, điều này đã dánh dấu sự khởi đầu của sự thù địch thực sự tới từ Athens.[52][55] Như đã hứa từ trước, ông đã trao lại Potidea cho người Olynthos và để cho đội quân đồn trú của người Athen tự do quay trở về Athens bởi vì ông không muốn gây ra sự bực tức không đáng có cho người Athen ("ông đặc biệt coi trọng người dân Athens vì tầm quan trọng và danh tiếng của thành phố này").[52] Vào thời điểm này, người Athen đang phải dồn toàn lực cho cuộc Chiến tranh Đồng Minh và không thể ngăn cản việc Philippos chiếm Potidea và Pydna.[45]

Liên minh chống Philippos (356–352 TCN)

Cây phả hệ của các vị vua thuộc vương quốc Odrysia của Thrace

Năm 356 TCN, với ý định ngăn chặn mưu đồ của vua Philippos, người Athen đã liên minh với các vị vua của Illyria, Paionia và Thrace để nhằm chặn đứng bước tiến của ông.[45] Lúc này, Thrace đang nằm dưới sự cai trị của ba vị vua là hậu duệ của Cotys; ở phía Tây là Ketriporis, con trai của Berisades (người con thứ hai của Cotys); ở khu vực trung tâm Thrace là Amadokos II (người con thứ ba của Cotys), và ở miền đông là Kersebleptes (người con cả của Cotys). Chúng ta không biết rõ liệu Athens có liên minh với cả ba vị vua Thraci này hay không nhưng chắc chắn ít nhất là Ketriporis đã tham gia vào liên minh này.[56][57] Nếu Kersebleptes đã liên minh với Athens thì ông ta chắc hẳn đã nhanh chóng rời bỏ liên minh này và tập trung vào việc mở rộng lãnh thổ của mình bằng việc xâm chiếm lãnh thổ của Amadokos và Ketriporis.[58] Ở Illyria, thất bại của Bardylis đã kéo theo một sự thay đổi quyền lãnh đạo giữa các bộ lạc với việc người Grabaei dưới sự lãnh đạo của Grabos đã nắm quyền lãnh đạo sau khi người Dardanii của Bardylis bị đánh bại.

Theo Diodoros, Philippos đã tiến quân tới chỗ những kẻ địch của ông trong liên minh này trước khi họ có cơ hội phối hợp với nhau và buộc họ thay vào đó phải liên minh với Macedonia.[59] Tuy nhiên, các nguồn sử liệu khác lại gợi ý rằng tình hình thực sự lại phức tạp hơn nhiều và Philippos đã lần lượt đánh bại các thế lực này trong vòng vài năm tới ngoại trừ Athens.

Theo Plutarch, một đạo quân dưới quyền Parmenion đã đánh bại vị vua của người Illyri là Grabos vào năm 356 TCN ngay sau khi kết thúc cuộc vây hãm Potidea.[55][56] Grabos sau đó đã trở thành một đồng minh lệ thuộc của Macedonia.[60] Sang năm sau, Philippos dường như đã đánh bại Ketriporis và khiến cho ông ta trở thành một đồng minh lệ thuộc, dẫu vậy thông tin về chiến dịch này lại rất hạn chế.[45][56][57] Ông cũng được cho là đã đánh bại người Paionia vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn này, mặc dù vậy lại không có ghi chép rõ ràng về điều này.[56] Không có bằng chứng nào cho thấy rằng Athens đã gửi bất kỳ sự trợ giúp đáng kể nào cho các đồng minh của mình do họ vẫn còn đang phải dồn toàn lực cho cuộc Chiến tranh Đồng Minh.[56]

Chiến thắng trong các cuộc chiến này đã củng cố sự kiểm soát của Philippos đối với khu vực Thượng Macedonia. Các tiểu quốc tự trị như là ElimiotisLynkestis dường như đã bị sáp nhập vào năm sau,[31] chế độ quân chủ ở các vùng đất này đã bị bãi bỏ và các vị vua cũ của nó trở thành triều thần trong triều đình của Phillippos.[e][61][62][63] Philippos còn thành lập Heraclea Lyncestis như là một trung tâm đô thị mới ở khu vực này.[64]

Philippos II đã thiết lập các chư hầu hoặc những đồng minh lệ thuộc bao quanh Macedonia để thay thế cho liên minh bị ông đánh bại. Ở phía Bắc của Macedon là vị vua chư hầu Lycceios của người Paionia.[31] Hàng xóm của người Paionia là bộ lạc Agrianes người Thraci cùng với vị vua của họ là Langaros dường như cũng trở thành đồng minh của Philippos từ năm 352 TCN,[31] và từ thời điểm này trở đi họ đã giữ vai trò hỗ trợ quan trọng trong quân đội Macedonia.[65] Ở phía đông bắc, vương quốc Thraci của Ketriporis cũng là một chư hầu.[31] Ở phía Tây Bắc, người Grabaei chiến bại lúc này là một quốc gia vùng đệm giữa Macedonia và các bộ lạc không quy phục Philippos như là người Taulantii.[31]

Chiến thắng trước Grabos diễn ra vào cùng thời điểm Olympias sinh cho Philippos một người kế vị, Alexandros, điều này còn giúp thắt chặt liên minh với Ipiros ở phía Tây Nam. Sang năm sau, người em trai của Olympias cũng tên là Alexandros đã tới nương náu tại triều đình của Philippos và ảnh hưởng của người Macedonia đã gia tăng từ năm 351 TCN.[31] Một số học giả xác định rằng từ năm 350 TCN trở đi, người Macedonia đã kiểm soát trực tiếp khu vực Tymphaea, một khu vực biên giới khác giữa Ipiros và Macedonia.[34]

Krinides (356 TCN)

Năm 356 TCN, trong lúc Parmenion tiến hành chiến dịch chống người Illyri, Philippos đã tiến hành chiến dịch ở Thrace và chiếm được thị trấn Krinides được người Thasos thành lập vào năm 360 TCN.[45] Ông đổi tên nó thành Philippi theo tên của ông và khiến cho dân số của nó tăng lên rất nhiều. Ông còn cải tạo mạnh mẽ các mỏ vàng ở khu vực xung quanh và hiệu quả của chúng đã được Diodoros miêu tả lại:

Hướng sự chú ý đối với những mỏ vàng nằm trong lãnh thổ của nó mà vốn rất ít ỏi và không đáng kể, ông đã tăng sản lượng của chúng lên rất nhiều và nhờ vào những cải tạo của ông mà chúng đã mang lại cho ông một nguồn thu nhập lên tới hơn 1000 talent.

Do đó về lâu dài, việc chiếm được Krinides là một sự kiện có vai trò rất quan trọng trên con đường bá nghiệp của Philippos.[52]

Maroneia and Abdera (khoảng năm 355 TCN)

Polyaenos kể lại rằng Philippos đã tấn công và cướp phá hai thành phố AbderaMaroneia dọc theo bờ biển Thrace. Điều này đã diễn ra trong một chiến dịch duy nhất nhưng ông ta không nói là diễn ra khi nào.[66] Diodorous không đề cập tới chiến dịch này và khiến cho chúng ta khó xác định được vị trí của nó trong bảng niên đại tổng thể.

Buckler đề xuất như sau: Theo chính trị gia người Athen là Demosthenes, Kersebleptes đã gặp Philippos tại Maroneia (ở Thrace) cùng với vị tướng Thebes là Pammenes và họ đã đạt được một thoả thuận với Philippos; hơn nữa ông ta còn nói rằng vào thời điểm đó Amadokos có thái độ thù địch với Philippos.[67] Demosthenes nói rằng vị tướng người Athen là Chares đã đệ trình một bản báo cáo về cuộc gặp giữa Philippos, Pammenes và Kersebleptes; Polyaenos nói thêm rằng sau chiến dịch Maroneia của Philippos, Chares đã phục kích hạm đội của Philippos ở ngoài khơi của Neapolis.[67] Theo ghi chép, Neapolis đã cầu viện Athens giúp đỡ chống lại Philippos vào năm 355 TCN nên có khả năng chắc chắn rằng những sự kiện này đều đã sảy ra vào năm 355 TCN.[67] Chúng ta không biết lý do rõ ràng dẫn đến cuộc gặp này giữa Philippos và Kersebleptes; Buckler đưa ra giả thuyết rằng Philipos và Kersebleptes đã đồng ý phân chia Thrace giữa họ với nhau, Kersebleptes sẽ được rảnh tay để tấn công các vị vua Thraci khác (mục tiêu của ông ta là nhằm thống nhất vương quốc Thrace) còn Philippos thì rảnh tay để tiến hành chiến dịch ở những nơi khác.[67]

Ngược lại, Cawkwell và Sealey đề xuất rằng chiến dịch Maroneia diễn ra vào năm 353 TCN (mặc dù vậy họ lại không chứng minh rõ ràng điều này).[57][68] Do đó chiến dịch Maroneia có thể là một phần trong chiến dịch chống lại Cetriporis của Philipos (có thể vào năm 355 TCN) hoặc là của chiến dịch chống lại Amadokos (có thể là vào năm 353 TCN).[68]

Cuộc vây hãm Methone (khoảng năm 354 TCN)

Trình tự thời gian của các hoạt động ở Hy Lạp vào giai đoạn 355–352 BC thì lại không hoàn toàn rõ ràng (xem bên dưới). Philippos chắc chắn đã tiến hành vây hãm Methone trong giai đoạn này, đây là thành trì cuối cùng của người Athen ở Macedonia, tuy nhiên các sử gia lại lựa chọn những thời điểm diễn ra khác nhau cho cuộc vây hãm này[67] Có hai giả thuyết chính, Buckler ủng hộ giả thuyết là vào năm 355–354 TCN[67] trong khi Cawkwell lại cho là vào năm 354–353 TCN.[69]

Philippos đã bắt đầu cuộc vây hãm thế nhưng những nỗ lực nhằm chiếm nó của ông lại không thành công và cuộc vây hãm này kéo dài trong gần một năm.[67][70] Trong khoảng thời gian này, người Athen đã hai lần tiến hành giải vây cho thành phố nhưng đều thất bại.[67] Philippos còn bị mất một mắt của mình trong cuộc vây hãm này do bị trúng tên.[71] Bất chấp vết thương của mình, ông cuối cùng đã đồng ý các điều khoản với cư dân của Methone và cho phép họ rời đi với chỉ một bộ quần áo mỗi người.[71] Buckler đề xuất rằng thỏa thuận khoan hồng này có thể là kết quả của việc người Thessaly yêu cầu ông can thiệp vào cuộc chiến tranh Thần Thánh (xem bên dưới); Lo sợ rằng sẽ bỏ mất cơ hội quý giá này, Philippos đã tìm cách chấm dứt cuộc bao vây này một cách nhanh nhất có thể.[70]

Tóm tắt tới khoảng năm 354 TCN

Tới năm 354/353 TCN, tức là chỉ 5 năm sau khi lên ngôi, Philippos đã thống nhất Macedonia và biến nó trở thành một thế lực thống trị ở miền Bắc Hy Lạp.[45][56] Ông đã làm suy yếu hoàn toàn ảnh hưởng của người Athen ở khu vực này và trở thành đồng minh với một thế lực quan trọng khác ở khu vực này, liên minh Chalkidice.[56] Trong quá trình này, ông đã giành được cửa ngỏ dẫn vào khu vực biển Aegea mà vốn là vấn đề muôn thủa đối với Macedonia bởi vì các địa điểm phù hợp đã bị những người định cư Hy Lạp chiếm lĩnh trong thời kỳ Hy Lạp Cổ xưa.[45][56] Hơn nữa, ông đã cải tổ và huấn luyện lại quân đội cùng với đó là có được tiềm lực tài chính dồi dào để trả lương cho nhiều binh sĩ hơn.[45][56]

Sức mạnh của Macedonia đã gia tăng nhanh chóng nhờ vào tài năng quân sự cùng với tài ngoại giao hiếm có của Philippos.[45] Ngoài ra, sự suy yếu của các thành bang Hy Lạp hùng mạnh đã góp phần vào điều này.[45][56] Sparta không bao giờ có thể khôi phục lại như xưa sau khi Epaminondas giải phóng Messenia, trong khi đó Thebes vẫn còn đang suy yếu sau cái chết của Epaminondas và bởi hậu quả của trận Mantinea. Còn Athens thì lại đang dính vào một cuộc chiến tranh với các đồng minh của nó và vào năm 355 TCN, người Athen đã đồng ý một hiệp ước hòa bình mà giúp cho các đồng minh cũ của nó được độc lập, điều này đã làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh của người Athen.[45] Mặc dù những thế lực này phản đối các hành động của Philippos thế nhưng họ lại gặp phải quá nhiều vấn đề và không thể can thiệp được; Do vậy Philippos đã gần như không gặp phải trở ngại nào cho tới tận năm 354 TCN.[56]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự bành trướng của Macedonia dưới triều đại Philippos II http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per...